Thông tin cần thiết
Nhằm bảo đảm an toàn PCCC và thoát nạn tại hộ gia đình, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cung cấp đến người dân một số biện pháp phòng cháy; quy trình xử lý khi xảy ra cháy; hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy; giải pháp, kỹ năng thoát nạn; hướng dẫn thoát nạn tại chung cư; hướng dẫn xử lý mắc kẹt thang máy.
Vào mùa nắng nóng tình hình cháy, nổ và đặc biệt là các vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng thường có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thời điểm các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đều tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch công tác, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh nên xuất hiện nhiều chủ quan, lơi là trong công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC); mặt khác thời điểm này khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, tình trạng nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Để đảm bảo an toàn PCCC, khuyến cáo cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những nội dung sau:
1. Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
2. Đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
3. Các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, Ủy ban nhân dân địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy; xây dựng cơ chế phối hợp với các lực lượng, các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác chữa cháy như: giải quyết các tình huống cắt điện, cấp nước chữa cháy, cứu thương, giải tỏa ách tắc giao thông... Đối với các khu vực có nguồn nước tự nhiên, phải xây dựng các bến lấy nước, bể lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy ở khu dân cư...
4. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy sách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn...