Lễ hội truyền thống
CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG PHAN CHU TRINH
- Chùa Hàm long ( có tên khác là chùa Vạn Hạnh ) là một ngôi chùa cổ trong số nhà 18 phố Hàm Long. Chùa có từ thời Lý, đến thế kỷ thứ 17 là ngôi chùa có quy mô khá lớn. Nhất là sau khi Hoàng hậu vua Lê Hi Tông ( 1676 – 1705 ) đến cầu tự sinh hoàng tử, sau lê ngôi là Lê Dụ Tông ( 1705 – 1729 ), chùa trở thành trung tâm Phật giáo lớn của kinh thành Thăng Long. Cả chúa Trịnh Cương cũng xuất tiền cho việc mở mang chùa. Năm 1947 chùa bị giặc Pháp tàn phá, nay chỉ còn lại hai tấm bia lớn có tên Hàm long tự bi ký, dựng năm 1714. Văn bia do hai nhà văn hóa lớn đương thời là Đặng Đinh Tướng và Nguyễn Quý Đức biên soạn.
- Ngôi nhà số 5D phố Hàm Long. Nơi đấy vào đầu tháng 3/1929 một nhóm hội viên trung kiên và tiên tiến nhất của Hội thanh niên Cách mạng Việt nam đã thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên gồm 8 đồng chí do đồng chí Trần Văn Cung ( tức Quốc Anh ) làm bí thư. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã chủ trương đẩy mạnh phong trào cách mạng , thành lập Đảng cộng sản, chỉ 3 tháng sau đó Đảng cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại số nhà 312 phố Khâm thiên. Chi bộ 5D Hàm Long trở thành nòng cốt của Đảng cộng sản Đông Dương.
- Vườn hoa Tao Đàn tại đầu phố Phan Huy Chú - Lê Thánh Tông - Lý Thường Kiệt. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 vườn hoa có tên vườn hoa Đại Học, sau cách mạng vườn hoa mang tên “ Tao Đàn” gắn với tên Hội do vua Lê Thánh Tông sáng lập: Hội Tao đàn tập hợp 28 nhà tri thức, nhà thơ lớn thời Hồng Đức. Đích thân vua Lê Thánh Tông là chủ soái hội Tao đàn. Hiện nay, tại vườn hoa Tao đàn đã dựng tượng Hô-xê Mác-ti, người anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của cách mạng CuBa, danh nhân văn hóa thế giới, biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.
- Nhà thờ Hàm Long tại số 21 phố Hàm Long, là một công trình kiến trúc đẹp, do kiến trúc sư người Việt du học tại Pháp tên Docteur Thân thiết kế. Nhà thờ cao 17 mét, hoàn thành năm 1934. Nhà thờ Hàm Long của xứ đạo Hàm Long. Tại phố Hàm Long thuộc phường Phan Chu Trinh, có một số giáo dân của xứ đạo Hàm Long này.
Đến nay, dân số trên địa bàn phường có hơn 1.300 hộ, với hơn 5.000 nhân khẩu, cư trú tại 14 phố và ngõ phố với 26 tổ dân phố chia làm 10 địa bàn dân cư. Trên địa bàn phường hiện có 163 cơ quan, doanh nghiệp ( doanh nghiệp, cơ quan nhà nước: 69 doanh nghiệp tư nhân: 94 ), 02 trường đại học, 01 trường tiểu học, 02 trường mẫu giáo, Mầm non, 03 đại sứ quán, 01 chùa, 01 nhà thờ. Trong đó có một số trụ sở lớn của Trung ương và của thành phố như: Văn phòng Quốc Hội, Bộ Tài chính, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng cục khí tượng thủy văn, Thành Đoàn Hà Nội, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.