Giới thiệu chung Giới thiệu chung

GIỚI THIỆU VỀ PHƯỜNG PHAN CHU TRINH QUẬN HOÀN KIẾM

     Phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện nay hình thành từ một vùng đất có bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Qua nhiều biến đổi, các thế hệ dân cư nơi đây đều cùng nhau chung sức lao động, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Nhân dân trong phường phần nhiều là cán bộ công nhân viên chức nhà nước, trình độ dân trí tương đối cao, có những cống hiến, đóng góp đáng kể trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân phường Phan Chu Trinh một lòng theo Đảng đứng lên đánh đổ ách thống trị thực dân, làm cách mạng thành công. Bước sang thời kỳ đổi mới, nhân dân toàn phường đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới của thủ đô.

    Phường Phan Chu Trinh có diện tích 0,406km nằm ở phía đông nam quận Hoàn Kiếm, phía đông giáp đê Sông Hồng, ngoài đê là phường Chương Dương quận Hoàn Kiếm; phía nam giáp phường Bạch Đằng, phường Phạm Đình Hổ và phường Ngô Thì Nhậm quận Hai Bà Trưng; phía tây giáp phường hàng Bài và phía bắc giáp phường Tràng Tiền quận Hoàn Kiếm. 

     Trên địa bàn phường có 14 phố và ngõ phố đó là: phố Trần Khánh Dư tới phố Phạm Ngũ Lão; phố Đặng Thái Thân; phố Phạm Sư Mạnh; phố Lý Thường Kiệt; phố Lê Thánh Tông; phố Đinh Công Tráng; phố Phan Huy Chú; phố Trần Hưng Đạo; phố  Phan Chu Trinh; phố Hàm Long đoạn từ ngã năm Lò Đúc tới phố Ngô Thì Nhậm; phố Nguyễn Khắc Cần..

Vị trí của phường Phan Chu Trinh ngày nay ở vào khu di tích lịch sử xa xưa:

     Khu vực Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam nguyên là bến đò chính đưa người từ bên xứ Bắc vào kinh thành Thăng Long. Ngày ấy, sông Hồng chưa lùi sang phía Long Biên như hiện nay mà chảy sát dường Trần Khánh Dư. Bến đò khi ấy gọi là bến Tây Long ( hoặc tây luông). Một cửa ô của kinh thành Thăng long xưa được dựng ở vị trí nay là Nhà hát lớn thành phố, gọi là ô Tây Long. Đó là một trong nhiều cửa ô của kinh thành. Ngày 20/7/1786 quân tây Sơn do bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thống lĩnh đã đổ bộ lên bến sông này để tiến qua cửa ô đánh vào trận địa chính của Chúa Trịnh Khải. Gần 3 năm sau, vào ngày 5 tết Kỷ Dậu ( 30/01/1789 ) bến Tây Long lại chứng kiến cảnh thảm bại của 20 vạn quân Thanh xâm lược. Tổng chỉ huy Tôn Sĩ Nghị phải vứt cả ấn tín, ngựa không đóng yên, người không mặc giáp chạy qua bên kia sống Hồng, lủi về Bắc. Quân lính chen chúc nhau tháo chạy, làm đứt cầu phao, cả người và ngựa chết như rạ, máu quân thù nhuộm đỏ cả dòng sông.

     Phố Phạm Ngũ Lão, Đặng Thái Thân  ngày nay nguyên là đất của Thủy quân đồn, thuộc thôn Tây Long, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương. Đồn này được gọi tắt là Đồn Thủy, một doanh trại thủy quân. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội, chúng bắt triều đình nhà Nguyễn dâng cho chúng khu đất này gọi là “ Khu nhượng địa”. Theo Thương ước ngày 31/8/1874 khu này chỉ rộng 2 héc – ta, nhưng chỉ sau một năm, chúng ép triều đình phải ký Hiệp định  ngày 31/8/1875, theo đó “ Khu Nhượng địa” đã rộng tới 18 héc-ta. Tại đây chúng cho xây dựng trụ sở các cơ quan đầu não cảu bộ máy xâm lược và cai trị; đại bản doanh của quân đội Pháp ở Đông Dương và Phủ toàn quyền. Năm 1906, sau khi Pháp xây dựng xong Phủ toàn quyền mới ở Nhà bảo tàng của trường Viễn đông Bắc cổ, nay là Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

     Phố Lê Thánh Tông là dải đất chạy theo bức tường phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Phần đất từ phố Lê Thánh Tông đến phố Ngô Quyền nguyên là đất của thôn Nhân Chiêu và thôn Hàm Châu, tổng Hậu Nghiêm ( sau đổi thành thôn Hàm Khánh, tổng Thanh Nhàn ) huyện Thọ Xương. Phố Hàm Long xưa là thôn Hàm Châu, từ thời Hùng Duệ Vương ( Hùng Vương thứ 18) đã có ông Ngô Long, quê huyện Thanh Oai, mồ côi cha mẹ, rời quê ra cư trú tại thôn Hàm Châu quán Long Đầu. Ông đã theo Hùng Duệ Vương đi dẹp giặc Hồ Lư ở Châu Hoan. Sau khi ông mất, nhân dân đã sửa quán Long Đầu làm đền Hội Khánh để thờ thần Ngô Long. Sang đời Lý, vua Lý Thái tổ đã phong lại danh thần cho thần Ngô Long và cho xây chùa Hàm Long vừa thờ Phật, vừa thờ Thần. Chùa Hàm Long trở thành một ngôi chùa nổi tiếng của kinh thành thời đó.

 

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?